Ngày 18, Nguyễn Huệ dừng chân ở núi Nghĩa Liệt huyện La Sơn (Nghệ An). Ông dừng lại đây để được hội kiến với xử sĩ Nguyễn Thiếp – người mà ông tôn xưng là La Sơn phu tử. Trước đây Nguyễn Huệ đã không ít lần viết thư mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân, nhưng đều bị từ chối. Lần này, Nguyễn Huệ muốn gặp cho bằng được. Trong bức thư ngắn gửi Nguyễn Thiếp, ông nói:

Nay thiên hạ khốn khổ, không cùng phu tử cứu gỡ thì không biết cùng ai. Quả đức thân hành qua hạt… mời phu tử tới, ngõ hầu được nghe lời phu tử dạy bảo

Nguyễn Thiếp bất đắc dĩ phải xuống núi diện kiến Bình vương. Vị xử sĩ 65 tuổi và viên tướng trẻ 35 tuổi cuối cùng đã gặp nhau. Vừa gặp mặt, Nguyễn Huệ đã tấn công trước. Ông nói như trách cứ Nguyễn Thiếp:

– Đã lâu nghe đại danh, ba lần cho tới mời, tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?

Nguyễn Thiếp không nao núng, đáp:

– Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính đáng thì là anh hùng, ai mà chẳng theo? Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì chỉ là kẻ gian hùng mà thôi.

Bình vương liền biến sắc mặt, đứng dậy nói:

– Người ta đồn rằng tiên sinh là kẻ sĩ trong thiên hạ. Danh tiếng ấy thật không ngoa!

Bình vương tiếp đãi Nguyễn Thiếp rất trọng hậu. Hai người nói chuyện rất lâu. Nguyễn Huệ gửi gắm việc chọn đất định đô ở Nghệ An cho Nguyễn Thiếp, rồi lên đường tiếp tục ra Bắc.

Vũ Văn Nhậm ra đón Bình vương từ xa. Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ cho biết Vũ Văn Nhậm tỏ ra nể sợ, nhưng thực ra là có ý muốn chặn đường và tấn công Nguyễn Huệ. Hai bên cuối cùng đã gặp nhau ở chợ Bằng (tức chợ Bình Vọng ở huyện Thường Tín, Hà Nội). Rốt cuộc thắng bại thế nào? Hồi sau sẽ rõ.

p1_9_footer_bao-tap-tay-son-1.jpg.webp