
Người Việt Nam khi nghe nhắc đến Kỷ Hiểu Lam thường nhớ đến nhân vật trong loạt phim cùng tên do Trương Quốc Lập thủ vai. Hình tượng Kỷ Hiểu Lam với cái ống điếu và những lần đấu trí với gian thần Hòa Thân đã trở nên tiêu biểu với khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, điều ít người biết đó là Kỷ Hiểu Lam còn đóng một vai trò nhất định nữa trong lịch sử bang giao Thanh – Việt.

Ngay từ sau khi chiếm lại Phú Xuân năm 1801, Nguyễn vương Ánh đã có một số hành động ngoại giao thăm dò với nhà Thanh. Vua Gia Khánh nhà Thanh giữ một thái độ thận trọng. Nhưng nhìn chung, vua Gia Khánh không mặn mà gì với việc hỗ trợ triều đình Tây Sơn để chống chọi lại với Nông Nại (cách người Thanh gọi lãnh thổ do Nguyễn Ánh kiểm soát).
Năm 1802, khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, triều đình nhà Thanh nhanh chóng chấp nhận việc đặt quan hệ ngoại giao với phía Nguyễn. Nguyễn vương Ánh – lúc này đã có thể gọi là vua Gia Long – liền nhân cơ hội xin nhà Thanh công nhận một quốc hiệu mới cho quốc gia vừa tái thống nhất, thay cho quốc hiệu An Nam. Quốc hiệu mà vua Gia Long đề xuất chính là Nam Việt. Theo Đại Nam thực lục, đại khái phía Nguyễn trình bày rằng:
Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt.
Gia Khánh hoàng đế


“Đại học sĩ Lục bộ Thượng thư vâng chỉ bàn bạc tâu lên về việc Quốc trưởng An Nam là Nguyễn Phúc Ánh xin ban tên Nam Việt (vào năm Gia Khánh thứ 7).
Chúng thần công đồng bàn rõ, trộm cho rằng: Quốc gia thống ngự trong ngoài, đối đãi với mọi người cùng một chữ nhân. Đốc, phủ của nội địa đều dùng địa phương quản hạt để gọi tên. Ngoại phiên, thuộc quốc đều dùng cương vực mà mình coi giữ để gọi tên. Dựa vào đó để thực thi điển chương của triều ta. Vả lại nếu khảo sát sự thay đổi của đời trước, thì phải coi trọng thực tế của chính trị, bảo tồn tính chính danh.
Khảo xét An Nam thời cổ gọi là Nam Giao, thời Chu gọi là Giao Chỉ. Đến khi Triệu Đà trộm chiếm mới bắt đầu tự xưng là Nam Việt vương. Nhà Hán diệt Nam Việt, đặt đất ấy làm quận huyện. Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố ngày nay đều là châu huyện của hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.

Việc xin ban cho hai chữ Nam Việt không thể thi hành được. Cái tên Nam Việt bao gồm rất rộng. Khảo lại sử trước, các đất nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây cũng nằm trong đó cả. Nguyễn Phúc Ánh là một tiểu di nơi biên kiếu, bây giờ có toàn cõi An Nam, chẳng qua cũng chỉ là đất cũ Giao Chỉ, sao lại dám tự xưng Nam Việt. Biết đâu đây chẳng phải là ngoại Di khoe khoang, xin đổi quốc hiệu để thử lòng. Vậy hãy bác đi không chấp thuận.
Đại Nam thực lục cho biết phía Nguyễn “hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong”. Quan điểm phía Nguyễn cụ thể như thế nào, chúng ta không được biết rõ. Một số ý kiến cho rằng Nguyễn Đăng Sở đã đề xuất đem quốc hiệu Nam Việt đổi thành quốc hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng nào xác nhận cho câu chuyện này.
Vào thời điểm đó, Nguyễn Đăng Sở là một sứ thần Tây Sơn, vừa mới tham gia vào phái bộ cuối cùng của Tây Sơn gửi sang nhà Thanh. Việc ông được dự bàn một việc hệ trọng như vậy của triều đình nhà Nguyễn là rất khó tin cậy. Cũng có người đề xuất vai trò của Trịnh Hoài Đức trong việc nêu ra quốc hiệu Việt Nam. Bằng chứng là một số bài thơ của ông trong thời gian chờ đợi được lên Yên Kinh đã có nhắc đến hai chữ đó.
Nhà nghiên cứu Trang Cát Phát cho rằng cách nói của sử quán triều Nguyễn cho thấy phía Nguyễn trước sau kiên trì quốc hiệu Nam Việt, không phải do vua Gia Long tiếp thu đề xuất của quần thần mà tiến hành chỉnh sửa.

Với khối tư liệu hiện biết thì việc đề xuất sử dụng quốc hiệu Việt Nam là do Tôn Ngọc Đình đề xuất lên vua Gia Khánh. Thanh sử cảo, Tôn Ngọc Đình truyện có nhắc việc này rằng:
Nguyễn Phúc Ánh đổi tên nước là Nam Việt. Nhân Tông nghi ngờ. Ngọc Đình nói: “Không thể vì ngôn ngữ văn tự mà cản trở lòng hướng hóa của ngoại Di. Tổ tiên của họ đã có đất Việt Thường thời cổ, kế đó lại kiêm tính An Nam. Nếu đổi hiệu là Việt Nam thì cũng khác biệt với tên Nam Việt cũ của Trung Quốc".

Vua Gia Khánh chấp thuận phương án này. Trong lời dụ chấp thuận, vua Gia Khánh nói:
Sai dùng hai chữ Việt Nam. Đem chữ Việt để lên đầu là để noi theo cương vực của đời trước, đem chữ Nam để xuống sau là để biểu thị cương giới mới được phong.